Dịch vụ tư vấn đầu tư rất dễ bị nhầm lẫn với dịch vụ tư vấn tài chính vì nhiều lý do. Với những người chưa bao giờ sử dụng các dịch vụ này thì khó có thể phân biệt rõ ràng. Bài viết sau đây sẽ giúp những ai còn đang bối rối giữa hai dịch vụ này có cái nhìn rõ hơn.
Phân biệt dịch vụ tư vấn đầu tư với tư vấn tài chính và cách chọn dịch vụ phù hợp
Theo SEC – Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (cơ quan chuyên quản lý các cố vấn đầu tư đã đăng ký): “Hầu hết các nhà lập kế hoạch tài chính đều là cố vấn đầu tư. Nhưng không phải cố vấn đầu tư nào cũng là nhà lập kế hoạch tài chính”. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng thảo luận về khái niệm cơ bản và công việc mà hai bên thực hiện. Tiếp đến, chúng tôi sẽ chỉ ra khi nào thì nên sử dụng dịch vụ nào. Cuối cùng sẽ là một số chia sẻ về cách chọn dịch vụ tư vấn, cả trong tài chính cá nhân lẫn đầu tư.
Dịch vụ tư vấn đầu tư với Dịch vụ tư vấn tài chính: Định nghĩa và các nội dung công việc chính
Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về dịch vụ tư vấn đầu tư. Như định nghĩa của SEC thì cố vấn đầu tư là một cá nhân hoặc một công ty kinh doanh trong việc đưa ra lời khuyên về chứng khoán cho khách hàng. Họ có thể giúp bạn chọn và quản lý cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác có trong danh mục đầu tư của bạn.
Những thứ mà cố vấn đầu tư có thể tư vấn cho bạn bao gồm:
- Nên đầu tư vào cái gì;
- Nên mua cổ phiếu hay quỹ tương hỗ;
- Đâu là những khoản đầu tư phù hợp cho tích sản hưu trí;
- Những rủi ro có thể xảy đến với từng loại tài sản đầu tư;
- Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng bạn có thể nhận được từ danh mục đầu tư của mình;
- Các loại thu nhập chịu thuế từ các khoản đầu tư của bạn;
- Cách sắp xếp lại các khoản đầu tư để giảm thu nhập chịu thuế;
- Những loại thuế phải chịu khi mua hoặc bán các khoản đầu tư.
Vậy còn dịch vụ tư vấn tài chính thì sao? Nó khác gì với dịch vụ tư vấn đầu tư? Như đã nói ở trên, việc tư vấn tài chính sẽ bao hàm cả việc đầu tư, miễn là nó nằm trong phạm vi tài chính của bạn. Một cố vấn tài chính sẽ giúp bạn quản lý tài sản, hoạch định kế hoạch tài chính trong ngắn hạn hoặc dài hạn và đưa ra cả những lời khuyên đầu tư. Tuy nhiên, chuyên môn chính của họ vẫn là quản lý tài chính.
Cố vấn tài chính sẽ làm việc với bạn và nghiên cứu dữ liệu tài chính của bạn. Sau đó, họ có thể cho bạn các lời khuyên về:
- Bạn nên chi tiêu như thế nào và tiết kiệm bao nhiêu;
- Loại bảo hiểm nào và số lượng bảo hiểm bạn nên có (bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe…);
- Bạn nên có bao nhiêu tiền trong quỹ dự phòng khẩn cấp;
- Những thay đổi nào có thể cải thiện tình hình thuế của bạn;
- Tỷ suất lợi nhuận bạn cần để đạt được mục tiêu của mình trong một khung thời gian nhất định;
- Mức độ rủi ro đầu tư phù hợp với các loại tài khoản khác nhau mà bạn có;
- Một số lời khuyên đầu tư khác.
Khi nào nên chọn dịch vụ tư vấn đầu tư và khi nào nên tìm dịch vụ tài chính?
Bạn nên chọn dịch vụ tư vấn đầu tư khi:
- Bạn là nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm và nhạy cảm trước các rủi ro, cần sự hướng dẫn, giúp đỡ của một chuyên gia có kinh nghiệm;
- Bạn đang sở hữu một danh mục khá đa dạng và cần một người giúp bạn quản lý danh mục hiệu quả;
- Bạn có công việc riêng và quá bận rộn để dành thời gian chăm sóc việc đầu tư;
- Bạn đang muốn thử sức với một lĩnh vực/sản phẩm đầu tư mới và cần người chỉ dẫn bước đầu.
Còn nếu bạn đang có những nhu cầu sau đây, thì dịch vụ tư vấn tài chính sẽ thích hợp hơn cho bạn:
- Bạn đang gặp vấn đề về tài chính, thu nhập và các khoản nợ, cần có sự tư vấn để sắp xếp và giải quyết ổn thỏa;
- Sau một thời gian đi làm, bạn đã tích lũy được một số tiền kha khá và cần một cố vấn hỗ trợ hoạch định cho các mục tiêu trong tương lai;
- Bạn cần hỗ trợ lập kế hoạch tích sản để nghỉ hưu;
- Bạn cần một người giúp bạn quản lý và phân chia rõ ràng giữa các hạng mục tài chính (chi tiêu, trả nợ, đầu tư, tiết kiệm…);
- Bạn có doanh nghiệp riêng và cần tách bạch giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty.
Công thức lựa chọn dịch vụ tư vấn đầu tư và tài chính hiệu quả và đáng tin cậy
Dù là dịch vụ tư vấn đầu tư hay quản lý tài chính, thì cách chọn lựa cũng khá giống nhau. Nhìn chung, khi tìm dịch vụ, bạn cần quan tâm đến các yếu tố sau:
- Chất lượng của công ty cung cấp dịch vụ tư vấn (danh tiếng, kinh nghiệm trong lĩnh vực, nhận xét của khách hàng từng sử dụng dịch vụ);
- Sự chuyên nghiệp và uy tín của cố vấn, thể hiện qua bằng cấp, chứng chỉ, giấy phép tư vấn, kinh nghiệm làm việc và tác phong của họ khi tư vấn;
- Cách tính phí của dịch vụ tư vấn.
Về cách tính phí, mỗi dịch vụ sẽ có những cách tính khác nhau:
- Dịch vụ tư vấn về đầu tư:
- Thu phí dựa trên hoa hồng của khoản đầu tư mà họ tư vấn;
- Một khoản phí cố định để hoàn thành việc xem xét danh mục đầu tư hiện có của bạn;
- Tính phí tư vấn theo giờ;
- Phí trả trước hàng quý hoặc hàng năm;
- Kết hợp cả phí cố định và hoa hồng.
- Dịch vụ tư vấn tài chính:
- Thu phí theo giờ;
- Một khoản phí cố định để hoàn thành một dự án cụ thể;
- Phí trả trước hàng quý hoặc hàng năm;
- Một khoản phí được tính theo tỷ lệ phần trăm của tài sản mà họ thay mặt bạn quản lý;
- Hoa hồng từ các sản phẩm tài chính hoặc bảo hiểm mà bạn mua thông qua họ;
- Kết hợp cả phí cố định và hoa hồng.
Ngoài ra, khi chọn cố vấn từ dịch vụ tư vấn đầu tư/tài chính, bạn hãy cố gắng gặp gỡ trực tiếp với họ để thảo luận với họ về các dịch vụ họ sẽ cung cấp, các chi phí liên quan và cách họ được thanh toán. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên đặt ra khi chọn cố vấn:
- Anh/chị có thể cho tôi xem các chứng chỉ/giấy phép tư vấn liên quan hay không?
- Anh/chị có những kinh nghiệm gì, đặc biệt là với những trường hợp như của tôi?
- Chuyên môn của anh/chị ngoài tư vấn đầu tư còn gì nữa không?
- Anh/chị tính phí tư vấn như thế nào?
- Quy trình mà anh/chị sử dụng để hoạch định đầu tư là gì?
- Kế hoạch của anh/chị trông như thế nào? Tôi có thể xem thử báo cáo mẫu hoặc công nghệ mà anh/chị sử dụng không?
- Anh/chị thường xem lại kế hoạch của khách hàng bao lâu một lần?
- Anh/chị cung cấp các báo cáo hiệu suất nào?