CÁC PHƯƠNG THỨC THU HỒI NỢ PHỔ BIẾN

Khoản nợ có thể phát sinh từ các giao dịch dân sự hay hợp đồng thương mại từ nhiều lý do khác nhau. Đơn cử: một trong các bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; các bên không thống nhất trong nghiệm thu kết quả thực hiện công việc; một bên có khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán; có hành vi gian dối, thiếu thiện chí, trung thực hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Thực tế có nhiều phương thức thu hồi nợ, tuy nhiên sử dụng phương thức không hợp pháp có thể gây “phản tác dụng”, thậm chí hậu quả xấu đối với người có khoản nợ cần đòi.

1. Các phương thức thu hồi nợ trái luật

a. Đe dọa con nợ bất hợp pháp

Đa phần người vay nợ đều mang cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an khi đến hạn trả nợ mà vẫn không có khả năng trả nợ, chưa thể trả nợ. Chỉ sợ chủ nợ đòi tiền, siết tài sản, kiện tụng, lo lắng mất uy tín, danh dự, sợ dư luận xã hội…. Việc chủ nợ dọa khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng… có thể thúc đẩy người vay nợ trả nợ. Tuy nhiên, sử dụng một trong những hành vi sau đây bởi chủ nợ có thể bị xác định là vi phạm pháp luật:

– Đe dọa giết người;

– Đe dọa thực hiện các hành vi xâm hại sức khỏe, thân thể;

– Đe dọa xâm phạm bí mật đời tư: hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm;

– Đe dọa tống tiền, cưỡng đoạt tài sản…

b. Đòi nợ trên Facebook hoặc nền tảng xã hội khác nhưng không đủ chứng cứ

Đòi nợ trên mạng xã hội đang là xu hướng “hot” hiện nay. Nhiều người đã tố khách hàng lên Facebook để đòi như một phương thức thu hồi nợ phổ biến và may mắn đã thành công.

Đòi nợ bằng Facebook như thế nào? Chủ nợ chỉ cần viết một status đòi nợ hay, kèm theo hình ảnh con nợ, giấy vay tiền… tag con nợ, bạn bè, người thân của họ vào.

Dĩ nhiên, không ai cấm chủ nợ sử dụng cách đòi nợ trên Facebook, nhưng phải đúng luật. Chủ nợ phải có đủ chứng cứ về việc nợ tiền của con nợ. Nếu chỉ là thông tin bịa đặt không có căn cứ, chủ nợ có thể bị xử lý về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác.

c. Bắt, giam, giữ, nhốt, đánh đập, siết tài sản của con nợ

Đây là phương thức thu hồi nợ trái pháp luật. Thậm chí, hành vi như thế này có thể đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm:

 – Tội giam giữ người trái pháp luật;

 – Tội cưỡng đoạt tài sản;

 – Tội làm nhục người khác;

–  Tội cố ý gây thương tích;

 – Tội cướp tài sản…

Người vay nợ không trả là sai, nhưng nhiều khi đó chỉ là tranh chấp dân sự. Chủ nợ trong mọi trường hợp không có quyền bắt, giam giữ, đánh đập, làm nhục, cưỡng đoạt tài sản để đòi nợ. Nếu thực hiện, chủ nợ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng. Khi đó, chủ nợ trở thành người phạm tội, con nợ thành người bị hại là vậy.

d. “Nhờ” tổ chức đòi nợ thuê

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những hoạt động bị cấm theo quy định của pháp luật Đầu tư. Tuy nhiên thực tế đây vẫn là đơn vị được “tin dùng” một cách phổ biến do hiệu quả, nhanh chóng.

Những tổ chức này hoạt động đòi nợ thuê rất chuyên nghiệp, có sự phân công chức năng, nhiệm vụ và phương án thực hiện rõ ràng. Một số phương thức đòi nợ phổ biến gồm liên tục gọi điện thoại gây sức ép; đe dọa người thân; đe dọa trực tiếp đến cơ quan, nhà của người vay nợ; thậm chí cắt ghép hình ảnh và đe dọa bằng những thông tin nhạy cảm, không đúng sự thật…

Mặc dù nhanh chóng trong việc thu hồi khoản nợ, những hành vi nêu trên có thể vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và gây tác dụng ngược đến chủ nợ với tư cách “người thuê đòi nợ”.

2. Các phương thức thu hồi nợ đúng luật

a. Căng băng rôn đòi nợ

Pháp luật không cấm căng băng rôn đòi nợ, tuy nhiên cần lưu ý đối với những quy định có liên quan.

Điển hình là các vụ căng băng rôn yêu cầu các chủ đầu tư dự án trả nợ. Khi các chủ nợ “thấp cổ bé họng” đòi mãi không được, người vay nợ thì chây ì không chịu hợp tác trả nợ, chủ nợ có thể căng băng rôn đòi nợ. Người mang nợ sợ mất danh dự, uy tín có thể sẽ tiến hành trả nợ.

Cách đòi nợ này nếu đảm bảo quy định có thể được xác định là đúng luật. Tuy nhiên, khả năng thu hồi khoản nợ thấp, mất nhiều thời gian, nhân lực và người tiến hành cần phải tránh ảnh hưởng an ninh trật tự, gây cản trở giao thông.

b. Trực tiếp khởi kiện đòi nợ

Chủ nợ có quyền tự mình khởi kiện đòi nợ theo trình tự quy định. Cơ quan giải quyết tranh chấp, bao gồm Tòa án hoặc Trọng tài tùy từng trường hợp sẽ tiến hành tiếp nhận hồ sơ và tổ chức phiên xét xử tranh chấp liên quan đến đòi nợ.

Tuy nhiên, chủ nợ tự mình khởi kiện đòi nợ cần nắm chắc quy định pháp luật có liên quan. Việc xử lý không chặt chẽ do thiếu sót kiến thức pháp luật có thể:

– Tạo ra các cơ hội cho con nợ kịp tẩu tán tài sản;

– Nội dung đơn khởi kiện không bao quát được hết khoản nợ, khoản bồi thường thiệt hại, kiện không đúng mục đích;

– Quá trình đòi nợ bị kéo dài, gây tốn kém chi phí;

– Không chứng minh được việc thiếu nợ của người vay….

c. Thuê tư vấn, ủy quyền cho đơn vị có chức năng, kinh nghiệm và uy tín hỗ trợ thu hồi nợ

Phương thức thu hồi nợ này có thể là một trong những giải pháp tối ưu nhất dành cho các chủ nợ để tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả trong quá trình xử lý các khoản nợ. Đơn vị có thể hỗ trợ bao gồm văn phòng, công ty luật; tổ chức có chức năng xử lý nợ hợp pháp theo quy định.

Đây là những người đối tượng có kiến thức pháp luật cùng đầy đủ kinh nghiệm thực tiễn, trong:

– Tư vấn biện pháp, phương thức thu hồi nợ đúng theo quy định pháp luật;

– Tư vấn, đánh giá tổng thể khoản nợ gốc, lãi, tiền phạt theo hợp đồng/thỏa thuận, tiền bồi thường thiệt hại hợp pháp, hợp lý;

– Khuyến nghị phương án tối ưu; đại diện, thay mặt chủ nợ đàm phán với người vay nợ để thu hồi khoản nợ;

– Tư vấn, hỗ trợ ngăn chặn người vay nợ tẩu tán tài sản;

– Tư vấn cho chủ nợ về điều kiện, thủ tục, quy trình khởi kiện đòi nợ, soạn thảo đơn khởi kiện, hỗ trợ chủ nợ trong quá trình khởi kiện thu hồi nợ;

– Tư vấn, hỗ trợ chủ nợ làm việc với cơ quan thi hành án trong trường hợp sau khi đã có quyết định của Tòa án nhưng người vay nợ không chịu thực hiện.

– Hướng dẫn chủ nợ đơn tố cáo lên các cơ quan thực thi pháp luật nếu có dấu hiệu tội phạm của bên nợ.

Cần lưu ý:

Thực tế hiện nay có rất nhiều đơn vị quảng cáo dịch vụ thu hồi nợ (đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội), tuy nhiên thực tế không đáp ứng điều kiện theo quy định hoặc chỉ nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp. Việc tìm hiểu, xác minh thông tin chính xác về đơn vị hỗ trợ đóng vai trò quan trọng không kém so với tìm phương án thực hiện tối ưu.